2,33 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản

(CL&CS) - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm 2021.

Ngày 14-7, tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết đến thời điểm 31-5-2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Đáng chú ý, theo Thống đốc, quy định hiện hành cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được trực tiếp mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

Tính đến cuối tháng 5-2022, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống là 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021, chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh BĐS của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12-2021.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Đến 31-5-2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỷ đồng, trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.

Bà Nguyễn Thị Hồng thông tin: Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Tính đến 30-6-2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch Covid-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.

Cũng theo Thống đốc NHNN, nhu cầu tín dụng BĐS thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn).

Thống đốc NHNN cho rằng thị trường BĐS không nên chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, mà cần nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI… phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng.

Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên gợi ý nên hình thành quỹ bảo lãnh cho vay. Ông cho rằng để không làm ngắt mạch nguồn lưu thông vốn như là mạch máu của nền kinh tế, phải đánh giá được mức độ ưu tiên, trạng thái lành mạnh của các mảng, tuyến, phân khúc BĐS, bởi không phải cái nào cũng có tính đầu cơ như nhau, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo vị chuyên gia, cần làm rõ dự án nào, tập đoàn nào có lý lịch tốt, có triển vọng tốt trong tương lai để có sự tiếp cận của ngân hàng, Chính phủ hỗ trợ bảo đảm cho nguồn cung thị trường tốt.

“Kinh tế thế giới đang bất ổn, lạm phát tiếp tục tăng cao tác động đến giá cả, xu hướng bất ổn, rủi ro cũng tăng lên. Khi đó điều kiện, tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, tiêu chuẩn xét duyệt, hỗ trợ của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… phải căn cứ vào những đánh giá này để không vì những rủi ro, xu hướng lạm phát mà quên việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, bơm vốn cho doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình phục hồi”, ông Thiên nói.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không nên có cách tiếp cận quá chặt, cần phải có sự phân biệt dự án, tập đoàn, doanh nghiệp về mặt lý lịch để tiếp cận cho vay phù hợp.

Dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%. Dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4% và chiếm tỷ trọng 33,7%.

Người đứng đầu ngành ngân hàng phân tích nhu cầu tín dụng BĐS thường là trung và dài hạn, hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường, khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn.

Nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân. Bởi vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng thực hiện cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh.

Cùng với đó, NHNN cũng ban hành các quy định về tỷ lệ an toàn, các giới hạn tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng, tăng cường thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh…

Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, NHNN đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực BĐS; hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá; công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án; hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Hà Thu

Bình luận

Nổi bật

Có nên “cắt lỗ” bất động sản khi thị trường gặp khó?

Có nên “cắt lỗ” bất động sản khi thị trường gặp khó?

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 11:36

Tình trạng "ngộp" có thể diễn ra đối với nhà đầu tư khi mua bất động sản tuy nhiên lại gặp phải thị trường khó khăn khiến giá trị tài sản mình đã mua bị xuống giá. Lúc này nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi liệu có nên bán cắt lỗ hay không?

Người thu nhập thấp “tích cóp” cả đời cũng không mua được nhà?

Người thu nhập thấp “tích cóp” cả đời cũng không mua được nhà?

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 11:36

Nếu như thời điểm đầu năm 2018, giá rao bán chung cư tại Hà Nội và TP.HCM mới chỉ là 27 và 31 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay giá đã tăng lên đến 46 và 48 triệu đồng/m2 khiến giấc mơ an cư của nhiều người gặp khó, đặc biệt là những người thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng lên tiếng về việc thổi giá chung cư ở Hà Nội

Bộ Xây dựng lên tiếng về việc thổi giá chung cư ở Hà Nội

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 11:35

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới, đặc biệt các dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.