Dữ liệu cũ
Thứ tư, 26/12/2018, 17:18 PM

10 sự kiện thế giới năm 2018

(NTD) - Tình hình thế giới 2018 dịu đi với Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore, sau đó lại nóng lên với cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung. Tiếp theo các Hội nghị APEC, G20, ASEAN… cũng chưa góp phần làm giảm căng thẳng Mỹ - Trung. Từ đầu năm, xung đột đẫm máu vẫn bùng nổ tại Syria. Đến gần cuối năm, vì vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine tại eo biển Kerch, Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình thân thiện với nhau trong bữa cơm tối bên lề Hội nghị G20

Thế giới 2018 khép lại với những sự kiện nổi bật nhất hứa hẹn sẽ tiếp diễn vào năm 2019.

1. Năm thứ hai ông Trump làm Tổng thống Mỹ

Sau chiến thắng khá vất vả trước ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Trump chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng từ ngày 20/1/2017. Cuối năm 2018, ông chuẩn bị thay một loạt 5 nhân vật cao cấp (ngày 23/12, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis xin từ chức…). Chính trường Mỹ “khó gặm” nhưng ông đã thoát được một cách ngoạn mục nhờ sử dụng nhuần nhuyễn “tam thập lục kế” trong binh pháp của nhà cầm quân Trung Hoa lừng danh Tôn Tử - kiểu “gậy ông đập lưng ông” để đối lại với Chủ tịch Tập Cân Bình và đã thành công: Ông Tập chịu xuống nước trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

So với chính trường thế giới, ông Trump thành công nhiều thứ. Ông muốn lập lại một trật tự thế giới mới, trong đó Mỹ sẽ tăng cường hoặc loại bỏ một số thỏa thuận quốc tế để ngăn chặn Nga, Trung Quốc và Iran được hưởng lợi. Việc xem lại các Hiệp định mậu dịch song phương với một số nước và các tổ chức là thành công lớn. Đối ngoại với tình hình Trung Đông, nổi cộm là Syria…, ông cũng thành công lớn. Nhưng lớn nhất là nhờ ông, mới có Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore.

10News1 

2. Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim tháo ngòi hạt nhân

Từ sáng kiến của Tổng thống Trumprồi sau đó là những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi,ngày 12/6/2018, tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa (Singapore) đã diễn ra cuộc gặp lịch sử Trump – Kim. Trước đó, bao nhiêu rối rắm đã xảy ra từ cả hai phía. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chịu mở Hội nghị, rồi không chịu. Rồi yêu sách. Ông Trump đã phải dụng binh pháp Tôn Tử, vừa đánh vừa đàm, đốc Nga và Trung Quốc áp lực vào. Rồi lại chịu.

Sau khi Thỏa thuận từng bước xóa hạt nhân của Triều Tiên đã được hai ông Trump và Kim ký, trong tương lai hai nước sẽ còn phải thực hiện nhiều việc, nhưng như thế là đã đủ: ngòi nổ chiến tranh hạt nhân với tên lửa tầm xa đã được tháo. Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm, lạc quan. Và niềm lạc quan ấy còn tăng lên khi tại Hội nghị G20 ở Buenos Aires (Argentina) đêm 1/12, ông Trump đã hé lộ về một Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim lần II với 3 địa điểm và 3 thời gian khác nhau.

10News2 

3. Cuộc chiến Syria vẫn ác liệt

Cuộc nổi dậy ở Syria khởi đầu với hàng loạt các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra bắt đầu từ ngày 26/1/2011và chịu ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình khác trong khu vực, được miêu tả là chưa có tiền lệ. Tháng 1/2012, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 5.000 người đã bị giết kể từ khi các cuộc biểu tình, phản đối chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Cho đến nay, sau hơn 1 năm, chưa có một nghị quyết LHQ về Syria nào được thông qua vì sau khi Mỹ đệ trình, Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Xung đột ở Syria kéo dài do có sự bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phương Tây cùng khối Ả Rập, đứng đầu là Mỹ với bên kia là Nga, Trung Quốc và Iran - 3 nước bảo vệ chính phủ Syria, cũng bởi quyền lợi riêng của mình.  Khoảng 2,6 triệu người Syria đã rời bỏ Tổ quốc ra đi và khoảng 4 triệu người đã phải rời bỏ nơi cư trú của mình. Theo UNICEF, trong số những người tỵ nạn có tới 1 triệu trẻ em. Tính đến thời điểm tháng 12/2018, tổng số người chết ở Syria là gần nửa triệu. Trong thảm kịch đó, các trận đánh ác liệt giữa quân chính phủ, phe nổi dậy và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn diễn ra. Ngày 22/12, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Syria…

10News3 

4. Tổng thống Venezuela Maduro bị ám sát hụt

Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 17h42 ngày 4/8 (giờ Caracas). Cảnh sát khẳng định có hai chiếc máy bay không người lái mang theo thuốc nổ C-4 đã tấn công nhằm vào ban lãnh đạo chính phủ Venezuela khi Tổng thống Nicolas Maduro và nhiều quan chức cấp cao đang có mặt tại sự kiện quan trọng này. Hai thiết bị bay không người lái gắn chất nổ đã được kích hoạt khi ông đang phát biểu, ít nhất 7 người bị thương, đa số là các binh sĩ bảo vệ buổi lễ. Ngay lập tức, ông, Đệ nhất Phu nhân Cilia Flores và các quan chức chính phủ đã nhanh chóng được sơ tán đến nơi an toàn, ông không bị thương tích gì vì nhờ nhiều cận vệ dùng thân mình và bung giáp ra che chắn.

Ông Maduro thay thế Tổng thống Hugo Chavez vào năm 2013, hồi tháng 5, ông đã tái cử trong cuộc bầu cử mà phe đối lập tẩy chay. Dưới thời ông, nền kinh tế Venezuela, vốn dựa phần lớn vào xuất khẩu dầu, lao dốc không phanh, lạm phát đạt hơn 46.000% tính từ đầu năm tới đầu tháng 8. Ông Maduro cáo buộc phe đối lập câu kết với "tư bản nước ngoài" phá hoại nền kinh tế nhằm "cướp dầu" của người Venezuela.

10News4 

5. Chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung

Ngày 6/7, chiến tranh mậu dịch (Trade war) giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu sau khi các quy định áp thuế trị giá 34 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ có hiệu lực. Đáp trả, Bắc Kinh tuyên bố cũng đánh thuế trên chừng ấy hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc. Trong năm nay, ông Trump đã đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc và dọa làm điều tương tự với 267 tỉ USD hàng hóa còn lại. Ngày 10/1/2019 tới, mức thuế áp lên 200 tỷ USD (trong số 250 tỷ USD) hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25%.

Ông Trump tuyên bố có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 550 tỷ USD - cao hơn cả mức nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái (506 tỷ USD). Ông cảnh báo Washington sẽ tiếp tục biện pháp thuế quan nếu hai nước không đạt thỏa thuận nào. Đến ngày 1/12, sau Hội nghị G20 tại Buenos Aires (Argentina), hai nhà lãnh đạo Trump – Tập dùng bữa với nhau, sau đó đồng ý hưu chiến trong vòng 90 ngày, sau Tết Dương lịch và Âm lịch 2019, sẽ tái đàm phán để tìm ra biện pháp tối ưu giải tỏa căng thẳng.

10News5 

6. Hội nghị Thượng đỉnh G7, APEC, G20, CPTPP…

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation - APEC) lần thứ 26 vừa kết thúc vào chiều 18/11 tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea mà không có tuyên bố chung của 21 lãnh đạo do mâu thuẫn các nước về thương mại khi chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung đang căng thẳng. Vấn đề nhạy cảm này trước đó cũng đã hé lộ trong Hội nghị G7 những nước phát triển lần thứ 44 diễn ra ngày 8-9/9/2018 tại La Malbaie, Québec (Canada). Đây là lần thứ sáu Canada đứng ra tổ chức trong bối cảnh các nước cũng chưa nhất trí với nhau trong việc đồng thuận để Nga quay lại G7 để thành G8 như trước đây.

Tại Hội nghị APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công khai chỉ trích chương trình “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh, cảnh báo các nước nhỏ có thể "chui vào bẫy và nợ đầm đìa" khi nhận các khoản vay của Trung Quốc. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được ký kết ngày 9/3 và sẽ được thực thi từ tháng 1/2019. Căng thẳng dâng cao tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 30/11 (giờ địa phương) tại Buenos Aires. Vì vụ eo biển Kerch, ông Trump hủy cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin. Việc Tổng thống Trump tăng cường bảo hộ và chống lại chủ nghĩa đa phương bắt đầu tạo ra những diễn biến kịch tính trong quan hệ toàn cầu. 

10News6 

7. Căng thẳng Nga – Ukraine vì vụ bắt giữ tàu tại eo biển Kerch

Ngày 25/11, tàu chiến Nga đồn trú thường trực tại eo biển Kerch đã bắt giữ 3 tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine.. Phía Kiev chắc chắn rằng đó là tàu chở dầu, trong khi Moscow cáo buộc có điệp viên và vũ khí trong cả ba tàu. Để minh chứng cho thế giới biết, Nga tổ chức show truyền hình để một số thủy thủ lên tiếng thú nhận những điều cáo buộc của Moscow là có thật – điều này Ukraine cho là giả.

Căng thẳng vẫn hiện hữu khi Ukraine kêu gọi Mỹ cùng NATO giúp, mặt khác, Kiev tuyên bố lực lượng quân dự bị sẵn sàng, đưa quân đến sát biên giới Crimea và đích thân Tổng thống Petro Poroshenko ngồi trực thăng chiến đấu thị sát các cuộc tập trận. Phía Moscow điều thêm tàu chiến đến eo biển Kerch, tăng cường năng lực hạt nhân và diễn tập bắn tên lửa chống hạm trong vùng Biển Đen. Đứng trước nguy cơ hệ thống vũ khí của Nga có khả năng hạn chế sự tự do hoạt động của NATO tại khu vực, Phó Đô đốc Hải quân Andrew Lewis nhấn mạnh NATO đã biết cách đối phó trong bối cảnh Khu trục hạm Mỹ tiến về Biển Đen ngày 6/12. Tình hình căng thẳng diễn biến hàng ngày.

10News7 

8. Chính trường Saudi Arabia nổi sóng, nhà báo Khashoggi bị giết

Jama Ahmad Khashoggi sinh ngày 13/10/1958, mất ngày 2/10/2018 là một nhà báo Saudi Arabia, và là cựu Tổng giám đốc và Tổng biên tập của Al-Arab News Channel. Ông từng là biên tập viên cho tờ báo Saudi Al Watan, biến nó thành diễn đàn cho những người cấp tiến Saudi Arabia. Sau khi Thái tử Mohammad bin Salman thanh trừng nội bộ thông qua chiêu thức chống tham nhũng, Khashoggi chạy trốn khỏi nước vào tháng 9/2017. Kể từ khi chính phủ nước này cấm ông sử dụng Twitter, ông đã viết các bài báo chỉ trích.

Ông hiện đang mất tích và có cáo buộc rằng ông đã bị sát hại và cắt thành từng mảnh trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), trong khoảng thời gian trong hoặc sau ngày 2/10. Ngày 19/10, nhà cầm quyền Riyadh thừa nhận là ông đã bị đánh chết trong tòa Lãnh sự. Về vụ này, Cơ quan Tình báo quốc ngoại Anh (MI-6) nói rằng họ đã biết tin ba tuần trước khi ông Khashoggi bị giết; còn CIA Mỹ đã trưng ra bằng cớ là 11 tin CIA nhận được về việc chính Thái tử Mohammad bin Salman gián tiếp ra lệnh  sát hại Khashoggi – điều mà ông luôn phủ nhận, cho rằng đây là âm mưu của Mỹ muốn hạ bệ ông. Chính trường Saudi Arabia vẫn chưa yên tĩnh.

10News8 

9. Quá trình Anh rời EU

Ngày 23/6/2016, cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đã được tiến hành tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và lãnh thổ Gibraltar (thời ông David Cameron làm Thủ tướng) về việc Anh rời EU (Brexit). Kết quả kiểm phiếu vào cuối ngày cho thấy đa số người dân chọn Anh Brexit với tỷ lệ khá sít sao – 51,9% phiếu so với 48,1% phiếu chọn ở lại. 

Sau khi bà Theresa May trở thành Thủ tướng, vấn đề Brexit được đem ra bàn cãi sôi nổi nhất. Từ tuần thứ hai của tháng 12, các thành viên chính phủ sẽ tiếp tục cuộc chiến nhằm giành sự ủng hộ của giới dân biểu đối với Brexit của bà May, một ngày sau khi chính phủ chịu liên tiếp ba thất bại trong các đợt biểu quyết then chốt. Ngày 13/12, với 200/317 phiếu, bà đã qua khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, tiếp tục tiến trình Brexit. Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019. Các thành viên chính phủ nói nếu các dân biểu bác bỏ thỏa thuận này thì cũng có nghĩa là họ đang đẩy mạnh khả năng hoặc là Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận gì, hoặc Anh sẽ không rời EU nữa. Vấn đề nhạy cảm Brexit sẽ còn rối rắm trong những ngày tới.                                                                                             

10News9 

10. Cháy rừng ở California và động đất tại Indonesia

Ngọn lửa bùng lên ở phía Bắc bang California ngày 8/11, phá hủy toàn thị trấn Paradise - nơi sinh sống của 27.000 cư dân, lan nhanh đủ thiêu 80 sân bóng/phút, đến thời điểm chiều tối 13/11, vẫn còn cháy dữ dội, buộc hàng chục ngàn người phải sơ tán khẩn cấp. Trên 200 người còn đang mất tích. Đây là vụ cháy rừng có số người chết cao nhất trong lịch sử California. Xác nạn nhân được tìm thấy trong những xe ôtô cháy đen, cạnh các phương tiện hay trong những ngôi nhà đổ nát…

Tính đến nay, vụ cháy rừng Camp cũng được cho là trận cháy gây thiệt hại lớn nhất về tài sản. Hơn 7.000 nhà cửa ở hạt Butte bị thiêu rụi. Ít nhất 15.000 công trình khác vẫn nằm trong diện bị đe dọa. Ngọn lửa lan rộng tới 303 km2 và chỉ 25% diện tích đám cháy đã được kiểm soát. Hơn 8.000 lính cứu hỏa toàn bang được huy động để giập tắt đám cháy, sau đó, nhờ các trận mưa “khủng”, đám cháy mới tắt. Hầu như năm nào cháy rừng cũng xảy ra tại California. Hàng trăm người đã chết, một số mất tích, thiệt hại vật chất vượt quá hàng trăm tỷ USD.

Ngày 23/12, sau khi núi lửa Kraktoa phun trào nham thạch khủng khiếp, một cơn song thần cao 2 m đã xảy ra tại khu vực eo biển Sunde Sumatra làm hơn 281 người chết, 1.000 bị thương và hơn 128 người khác mất tích. Mấy tháng trước đây, Indonesia cũng bị động đất gây sóng thần khiến hàng ngàn người thiệt mạng, bị thương và mất tích.

10News10 

                                                                                     Tường Quyên

                                                                              (Ảnh của BBC News, AFP, Reuters)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.